Bảo vệ động cơ ô tô đúng cách như thế nào?
Động cơ được xem là “trái tim” trên mỗi chiếc ô tô. Sau một thời gian sử dụng, động cơ xe có thể gặp tình trạng hỏng hóc khi các chi tiết bị hao mòn.
Nếu không được bảo vệ đúng cách, các bộ phận có thể gặp sự cố và gây nguy hiểm. Vì vậy, điều quan trọng nhất người dùng cần lưu ý là luôn giữ cho động cơ trong tình trạng khỏe mạnh bằng cách bảo dưỡng và chăm sóc thường xuyên.
Nhiều thói quen gây hại động cơ
Nhiều người có thói quen khởi động ô tô chưa đúng cách. Ảnh: edmunds |
Ô tô giờ đây đã trở thành phương tiện di chuyển hàng ngày của nhiều người, thế nhưng không ít người vẫn có những thói quen sử dụng có thể gây hại động cơ.
Nhiều người có thói quen khởi động xe và đi ngay hoặc “rồ ga” liên tục sau khi khởi động, điều này có thể khiến động cơ bị hao mòn sớm vì phải làm việc quá sức. Lúc này, động cơ chưa sẵn sàng, dầu nhớt chưa kịp lưu thông khiến các chi tiết chưa được bôi trơn.
Do đó, việc “rồ ga” khiến động cơ hoạt động nhanh, ma sát sinh ra sẽ khiến các chi tiết chóng bị hao mòn. Đây cũng là thói quen rất nhiều người dùng mắc phải, là nguyên nhân làm cho động cơ bị giảm tuổi thọ. Cách tốt nhất là hãy lái xe sau khi khởi động 30 giây đến 1 phút để động cơ nóng lên và các bộ phận hoạt động trơn tru.
Xe thường xuyên phải chở quá tải sẽ gây sức ép lên các chi tiết như hệ thống treo, lốp, phanh và cả động cơ. Do đó, nên hạn chế chở quá tải trên xe.
Ngoài ra, một thói quen sai lầm nữa đó là việc bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo trên xe. Khi gặp lỗi hoặc có bất ổn, ô tô thường gửi thông báo đến người lái thông qua đèn cảnh báo. Dù vậy, nhiều người dùng lại thường xuyên không để ý hoặc bỏ qua, khiến chiếc xe ngày càng có nguy cơ hỏng hóc nghiêm trọng hơn.
Bảo vệ động cơ của xe đúng cách như thế nào?
Bảo dưỡng xe định kỳ theo hướng dẫn
Để ý các đèn cảnh báo trên ô tô. Ảnh: edmunds |
Động cơ của mỗi nhà sản xuất đều có đặc điểm riêng. Do đó, điều người dùng cần làm là nên tuân thủ hướng dẫn hoặc lịch bảo dưỡng định kỳ theo khuyến nghị của các hãng xe trong quá trình sử dụng.
Ghi nhớ lịch bảo dưỡng ô tô hoặc để ý đến các loại đèn cảnh báo. Hiện nay, các thông tin khi cần bảo dưỡng, thay thế đều có thể được hiển thị theo dạng cảnh báo trên màn hình thông tin của xe. Vì vậy, người dùng nên để ý và thực hiện theo hướng dẫn.
Ngoài ra, tùy theo từng điều kiện sử dụng mà người dùng nên đưa xe tới đại lý để kiểm tra thay thế. Chẳng hạn khi đi xe qua vùng ngập nước hoặc sử dụng trong mùa mưa thì cần kiểm tra động cơ hoặc vệ sinh đảm bảo xe được bền bỉ và an toàn.
Thay dầu thường xuyên
Thay dầu nhớt thường xuyên là một trong những điều quan trọng nhất để bảo vệ động cơ ô tô. Dầu nhớt giữ cho các bộ phận động cơ quan trọng được bôi trơn để chúng hoạt động không bị quá nóng hoặc giảm hao mòn.
Ngoài ra, người dùng nên thường xuyên thay thế bộ lọc dầu của xe. Đây là nơi hút bụi bẩn và các mảnh vụn trôi nổi bên trong động cơ và giữ cho rác không lưu thông trở lại qua động cơ. Điều này cũng giúp giữ được độ bền
Thay bộ lọc nhiên liệu
Cũng giống như dầu nhớt và bộ lọc dầu, lọc nhiên liệu cũng là một trong những bộ phận cần thay thế định kỳ. Việc thay bộ lọc nhiên liệu mới sẽ giúp xăng chảy vào động cơ sạch sẽ hơn và kéo dài tuổi thọ hơn nếu không phải hoạt động vất vả để đốt cháy nhiên liệu.
Thường xuyên kiểm tra hệ thống làm mát
Thường xuyên thay thế nước làm mát. Ảnh: Cafeauto |
Hệ thống làm mát động cơ có vai trò rất quan trọng với một chiếc xe. Hệ thống này bao gồm bộ tản nhiệt, bộ điều chỉnh nhiệt, máy bơm nước và chất làm mát. Do đó, khi sử dụng người dùng cần thường xuyên vệ sinh, làm sạch các chi tiết và thay thế nước làm mát. Điều này giúp giảm nhiệt động cơ của xe khi vận hành.
Người dùng cần có thói quen kiểm tra nước làm mát thường xuyên và có thể kiểm tra bằng mắt thường khi mở mui xe. Khi động cơ của xe đang ở trong tình trạng nguội thì mực nước chứa trong bình chứa phụ phải giữ ở giữa vạch Full và Low. Nếu mực nước của nước làm mát ở trong bình chứa phụ bị thấp hơn vạch Low thì cần thay nước làm mát. Nên thay nước làm mát sau khoảng 40.000km vận hành hoặc theo khuyến cáo của các nhà sản xuất.